Mua được chiếc đồng hồ phù hợp đã khó, bảo quản và sử dụng đồng hồ đúng cách cũng thật không dễ dàng. Nhiều người dùng vẫn vô tình “giết chết” đồng hồ hàng ngày. Liệu bạn đã biết sử dụng đồng hồ đúng cách?
1. Chú ý trong hoạt động thường ngày
Của bền tại người. Đồng hồ dù tốt đến đâu nhưng nếu bạn không chú ý giữ gìn trong quá trình sử dụng sẽ khiến đồng hồ của bạn xuống cấp nhanh chóng. Một số lưu ý trong quá trình sinh hoạt hàng ngày bạn cần nhớ:
- Tránh sử dụng hoặc để đồng hồ ở những nơi có nhiều từ trường như loa, đài, tivi… Nếu tính chất công việc phải tiếp xúc với máy tính trong một thời gian dài bạn có thể đứng dậy nghỉ định kỳ mỗi lần 10-15 phút. Vừa đảm bảo sức khỏe của bạn cũng đồng thời cho đồng hồ hạn chế bị nhiễm từ.
- Tránh các hoạt động mạnh có thể làm va đập đồng hồ. Khi chơi thể thao không nên đeo đồng hồ ngoại trừ các loại đồng hồ chuyên dụng.
Không để đồng hồ tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, mỹ phẩm, nước hoa, chất tẩy rửa… Những hóa chất ấy có thể làm biến dạng dây, vỏ, vòng đệm chống nước của đồng hồ.
- Không để đồng hồ ở nơi có nhiệt độ trên 60 độ C và dưới 0 độ C; tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột để đảm bảo đồng hồ hoạt động được chính xác.
2. Sử dụng đúng độ chống nước
Mỗi chiếc đồng hồ đều có một độ chống nước nhất định. Chúng thường được in ở nắp lưng hoặc mặt số. Mỗi độ chống nước lại cho phép mức độ tiếp xúc của đồng hồ với nước khác nhau.
Tham khảo các mức chống nước phổ biến và cách sử dụng:
Đồng hồ vào nước khiến dầu bôi trơn trong máy bị pha loãng, làm chi tiết máy lâu ngày gỉ sét, nhẹ thì đồng hồ chạy giật kim, sai số, nặng thì dừng máy hoàn toàn.
Trong thực tế, mức chống nước của đồng hồ thường nhỉnh hơn một chút so với thông số của nhà sản xuất đưa ra. Tuy nhiên bạn cũng cần cẩn thận, ghi nhớ thông số đó, tránh trường hợp vô tư để đồng hồ tiếp xúc với nước vượt mức cho phép.
Lưu ý quan trọng: tuyệt đối không được đeo đồng hồ khi tắm hơi hoặc ăn lẩu. Khi đó, gioăng chống nước gặp nhiệt độ cao sẽ giãn ra, các hơi nước nhỏ li ti rất dễ dàng xâm nhập vào máy đồng hồ.
Độ kín nước của đồng hồ không phải là vĩnh viễn. Nó có thể bị ảnh hưởng bởi sự lão hóa của các vòng đệm chống nước hoặc bị va đập. Nên để sử dụng đồng hồ đúng cách, chúng tôi lưu ý các bạn nên kiểm tra độ kín nước của đồng hồ 1 lần/năm tại các trung tâm bảo hành uy tín. Thay pin, lau dầu cũng ảnh hưởng tới độ kín nước. Vì vậy, nên chọn các cửa hàng, trung tâm uy tín, có chuyên môn cao để thực hiện chính xác nhất.
Đặc biệt, đối với đồng hồ lặn, ngay sau khi bơi dưới nước, luôn rửa đồng hồ bằng nước ẩm và dùng khăn vải mềm lau khô. Chú ý, tuyệt đối không được dùng nước nóng bốc hơi ngay tại vòi.
3. Sử dụng núm đồng hồ đúng cách
Các núm đồng hồ được đóng mở liên tục để thực hiện nhiều chức năng phức tạp nên chúng được ví như “tử huyệt” của đồng hồ đeo tay – nơi nước, hóa chất, bụi bẩn dễ xâm nhập vào cỗ máy nhất.
Hơn nữa, núm đồng hồ chính là cầu nối giữa người dùng và cỗ máy bên trong. Nếu bạn bất cẩn khi sử dụng núm đồng hồ, bộ máy bên trong chắc chắn sẽ bị nguy hại.
Núm đồng hồ – “Tử huyệt” của đồng hồ đeo tay
Vậy nên, khi sử dụng núm đồng hồ, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Không điều chỉnh lịch trong khoảng thời gian 21h-2h sáng. Đây là thời gian chuyển giao lịch, nếu cố tình dùng lực tay để điều chỉnh thì sẽ dễ làm hỏng bánh xe lịch.
- Nên tháo đồng hồ khi lên dây cót hoặc chỉnh giờ, đảm bảo chắc chắn là núm điều chỉnh được kéo ra vuông góc, tránh làm cong vênh núm đồng hồ.
- Khi lên dây cót cho đồng hồ cơ, trong trường hợp thấy căng tay bạn cần dừng lại (thường chỉ cần vặn 10-15 vòng là cót đầy). Nếu bạn quá tay, dây cót bị căng sẽ gây đứt cót hoặc nguy hại tới những bộ phận bên trong.
- Không kéo núm khi đồng hồ còn ướt/ đang tiếp xúc với nước. Sau khi chỉnh cần đóng chặt núm đồng hồ để tránh nước, độ ẩm và bụi bẩn xâm nhập.
- Kiểm tra tình trạng núm vặn thường xuyên, vị trí đúng là ở nấc trong cùng. Trong quá trình sử dụng, núm rất dễ mắc vào chỉ áo hay các tác động bên ngoài và bị kéo ra khiến nước hoặc bụi bẩn lọt vào ngoài ý muốn.
4. Những môi trường đồng hồ cần tránh xa
- Vật dụng có từ trường lớn (máy tính cá nhân, tivi, máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng…):
Khi các thiết bị điện tử hoạt động sẽ tạo ra môi trường từ trường mạnh. Do đồng hồ làm từ các chi tiết kim loại có từ tính nên chúng sẽ bị nhiễm từ.
Ở đồng hồ cơ, dây tóc là phần nhạy cảm với từ trường nhất. Khi nhiễm từ, chúng sẽ xoắn lại, gây hiệu ứng chạy nhanh cho đồng hồ cơ. Nếu đồng hồ Quartz nhiễm từ, IC bị ảnh hưởng nhiều nhất, làm đồng hồ chạy sai lệch (thường chạy chậm hơn). Thêm vào đó, pin đồng hồ cũng nhanh hết hơn.
- Nơi có nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp:
Bình thường, đồng hồ đạt chuẩn chịu được mức nhiệt từ -10 đến 60 độ C (một số là từ 0 đến 50 độ C). Nếu ngoài phạm vi này, các chi tiết máy bị giãn nở, gây sai lệch khi vận hành.
- Trong không gian hẹp (túi xách, balo,..), để chung với các vật cứng khác:
Tuy đồng hồ được chế tác từ các vật liệu chống xước, nhưng không tuyệt đối. Khi để chung đồng hồ với những vật độ cứng lớn, cạnh sắc nhọn như trang sức, kim cương, điện thoại, bật lửa,… chúng sẽ cọ xát, gây trầy xước dây vỏ, mặt kính. Cũng không ngoại trừ những tác động mạnh hoàn toàn có thể làm vỡ mặt kính đồng hồ.
- Nơi có độ ẩm cao, mỹ phẩm, hóa chất:
Không chỉ riêng đồng hồ, chẳng máy móc nào muốn tiếp xúc với độ ẩm và hóa chất cả. Hãy để đồng hồ tránh xa những nơi có hóa chất nếu không muốn đồng hồ xỉn màu và giảm tuổi thọ.
5. Vệ sinh, bảo dưỡng đồng hồ đúng cách
Bỏ túi những mẹo nhỏ này, cỗ máy thời gian của bạn sẽ luôn sáng bóng và bền đẹp theo thời gian:
- Luôn rửa đồng hồ bằng nước sạch ngay sau khi bơi biển (đối với đồng hồ được phép bơi, lặn), tránh muối đọng lại trên đồng hồ, gây ăn mòn kim loại.
Vệ sinh đồng hồ dây kim loại
- Đối với đồng hồ dây kim loại: thường xuyên kiểm tra các kẽ dây xem có bụi bẩn bám vào hay không. Nếu có, bạn dùng bàn chải đánh răng mềm, chà dung dịch nước ấm khoảng 60 độ C pha chút kem đánh răng/ nước rửa chén loại ít chất tẩy lên dây. Màu kim loại sẽ sáng bóng trở lại.
- Đối với dây da: chất liệu này cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ, độ ẩm và hóa chất. Bình thường, bạn chỉ cần dùng khăn khô, mềm để lau. Nếu dây da bị ngấm nước, tuyệt đối không được sấy khô bằng máy sấy, đưa dây da tránh xa nơi ẩm thấp, để dây khô tự nhiên theo nhiệt độ phòng, đặt cùng với gói hút ẩm.
- Lau dầu, bảo dưỡng định kì: theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Thông thường, khoảng 2-3 năm bạn nên đưa đồng hồ đến bảo dưỡng, kiểm tra lại độ chống nước một lần.
Của bền tại người. Nếu biết sử dụng, giữ gìn đồng hồ đúng cách, chắc chắn người bạn thời gian sẽ đồng hành cùng bạn thật dài lâu.
Tuy nhiên, đôi khi trong cuộc sống có nhiều “tai nạn” xảy ra khiến đồng hồ bị nguy hại. Đôi khi, bạn cũng vô tình “đối xử không tốt” với chúng. Vì vậy, hãy trang bị thêm các gói bảo hiểm đồng hồ, để các em ấy luôn sẵn sàng được chăm sóc và sửa chữa.